Hôm nay, tôi viết những dòng này trong bối cảnh đất nước nằm trước nguy cơ Bắc thuộc, hàng ngàn ngư dân khốn đốn vì Formosa, hàng chục nhà hoạt động nhân quyền tên tuổi đang trong lao tù..., quả thật có thể đoán trước rằng những tâm tư dưới đây sẽ bị phớt lờ đi vì những điều tôi chia sẻ "có vẻ" chẳng quan trọng mấy so với hàng chục vấn đề nổi cộm khác. Nhưng tôi nhận thấy trách nhiệm của chính mình ở đây và sự cần thiết phải nêu bật câu chuyện không chỉ mang tính lương tâm mà còn là biểu hiện của tư duy này.
Năm 2004, Việt Nam chứng kiến hàng nghìn người sắc tộc ba tỉnh Tây nguyên: Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai từ các buôn làng, đi trên xe máy và xe công nông đổ ra các ngã đường dẫn vào trung tâm các tỉnh lị để phản đối sự kỳ thị sắc tộc, đòi quyền tự do tôn giáo (Tin Lành) và quyền tư hữu đất đai. Cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành bạo động vì công an dùng súng và dùi cui để đối phó với sự ôn hòa của người sắc tộc chất phác và bần cùng.
Hãy nhìn lại sự việc ở Phan Rí để hiểu về cuộc biểu tình sắc tộc 2004. Người dân, mà lại là những người sắc tộc đa số không được đến trường và không biết tiếng Kinh, phản ứng thụ động trước các tình huống được tạo ra bởi một lực lượng được đào tạo chính quy để chống lại họ, công an là những kẻ châm ngòi bạo lực và hệ thống tuyên truyền của họ, như chúng ta đã biết, vẽ ra hình ảnh người sắc tộc biểu tình như là những kẻ hung hãn, mọi rợ. Và tất nhiên họ không quên định danh kẻ chủ mưu của "bạo loạn" 2004 là Nhà nước Dega (Montagnard Dega Association), tương tự như cách dùng con ngáo ộp Việt Tân trong hầu hết các vu khống về các cuộc biểu tình, các cuộc lập hội của người Kinh vậy. Sau này, khi làm bạn với nhiều người Thượng TN, tôi mới nhận ra rằng, hầu hết họ không biết cái gì là Nhà nước Dega cả, họ chỉ biết đất đai tổ tiên họ bị cướp, họ bị bần cùng hóa và nhiều anh em họ bị đánh đập dã man vì dám thực hành tôn giáo mà không xin phép chính quyền.
Người dân cả nước, đặc biệt là miền Trung hồi đó, nói rất nhiều về "bạo động" ở Tây nguyên. Người Kinh (tạm gọi vậy) dân thường hầu hết vẫn thầm hả dạ vì vốn không ưa chính quyền chuyên hà hiếp dân lành, nhưng mặt khác, vẫn để bụng dè chừng người sắc tộc vì đồng nhất tất cả những người Thượng ở Tây nguyên là những kẻ đòi ly khai, là Fulro...Hồi ấy, tôi chỉ mười chín đôi mươi, nghe người lớn bàn tán về cuộc biểu tình với tâm thế người ngoài cuộc. Người Kinh ở cả nước đã vậy, người Kinh ở Tây nguyên cũng không hơn, họ nín thinh, họ thờ ơ trước hàng trăm anh em người Thượng ngã xuống dưới bánh sắt thiết giáp, hàng trăm người bị bỏ tù hàng chục năm trời (có hoặc không có xét xử), hàng trăm người khác bị đưa vào rừng thủ tiêu...Người Kinh đã đứng ngoài trong cuộc đấu tranh đòi Công lý của anh em mình năm ấy.
Đến hôm nay, trong ý thức của đa số những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, cuộc đấu tranh chống độc tài này chỉ thuộc về những: Nguyễn Văn, Trần Thị...chứ không có Y, H'...Thật vậy, việc không ý thức sự hiện diện rất sống động của người Thượng Tây nguyên nói riêng hay người sắc tộc cả nước nói chung, trong cuộc đấu tranh cho tự do này là do chúng ta bất cẩn, vô tâm, thiếu hiểu biết, hay là biểu hiện của một hình thức kì thị (gạt ra ngoài lề là kì thị chứ không gì khác). Hãy tự hỏi, chỉ có chúng ta mới là những người đấu tranh cho tự do (tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo...)? Chỉ có dân oan Dương Nội, dân oan Cần Thơ, dân oan Thủ Thiêm mới là dân oan, mới là những người đấu tranh cho quyền tư hữu đất đai? Chỉ có các linh mục, các sư thầy của các nhà dòng, các nhà chùa...mới đấu tranh cho tự do tôn giáo?
Không. Những người Thượng ở Tây nguyên gần 50 năm nay đã phải chịu cảnh cướp bóc trắng trợn từ chính quyền độc tài và cả từ những người Kinh được sự hẫu thuẫn của chính quyền. Đất đai của tổ tiên họ, chính quyền không cấp sổ đỏ dù vẫn để họ canh tác. Đến một ngày, họ nhận ra rằng mảnh đất nhà họ đang sống, đang trồng trọt nằm trong sổ đỏ của một người hàng xóm người Kinh. Nhiều câu chuyện như thế, không kể hết. Đó là chưa nói, sau cuộc bạo động 2004, nhiều người đàn ông trong các gia đình sắc tộc bị tù đày hoặc bị thủ tiêu, hoặc chết tại hiện trường biểu tình, những người phụ nữ phải chống chọi cuộc sống đầy sự khủng bố, với cả đàn con nheo nhóc mà bán rẻ dần đất đai của gia đình. Có hàng ngàn trường hợp như thế.
Rồi vì tổ chức họp nhóm Tin Lành tại gia (có khi phải họp ngoài rừng) không do chính quyền kiểm soát nên họ vẫn đang hằng ngày hằng giờ bị trù dập, đánh đập, sách nhiễu. Công an có thể chặn đường cướp điện thoại của bất cứ người nào họ thấy khả nghi, có thể xông vào nhà cướp máy tính, đánh người, bắt người mà thế giới bên ngoài không hay biết. Không ai hay biết một phần do chính người sắc tộc không có phương tiện thông tin (riêng phần này trong nỗ lực cá nhân của mình, tôi đã giúp được một số ít anh em có được phương tiện cần thiết); một phần khác là do chúng ta không chủ động, sốt sắng tìm kiếm thông tin về họ. Nhiều người trong chúng ta khó mà tưởng tượng được lễ Giáng sinh của các anh chị em Tin lành sắc tộc ở Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum hàng chục năm nay diễn ra trong trấn áp, trong nước mắt và máu.
Ngoài một vài mục sư người Kinh (mục sư Nguyễn Công Chính, Nguyễn Hồng Quang, Phạm Ngọc Thạch...) có liên kết và sống gần gũi với người Thượng để hỗ trợ, dẫn dắt họ trong lĩnh vực tôn giáo và nhân đạo, phần lớn chúng ta vẫn xem họ là những người ngoài trong cuộc đấu tranh "của chúng ta". Ngoài Quỹ Tù nhân Lương tâm Úc châu ra, có nhà hoạt động nào trong nước hỗ trợ họ và thực lòng nghĩ đến những người anh em này với tư cách những người "cùng hội cùng thuyền", cùng là những người bị bách hại vì đấu tranh cho Nhân quyền, cũng là những (cựu) tù nhân lương tâm chứ không chỉ là những nạn nhân đáng thương ở vùng sâu vùng xa vô danh nào đó? Chúng ta thỉnh thoảng than thở với nhau về lực lượng đấu tranh chống độc tài còn mỏng. Mỏng chỉ vì chúng ta không biết hay không chịu liên kết với những người anh em này thôi. Chúng ta lên án chính quyền cộng sản kỳ thị sắc tộc nhưng bao nhiêu người trong chúng ta thực tâm coi người sắc tộc là những người đồng đẳng, là bạn, là chiến hữu trong cuộc đấu tranh cho tự do hiện tại, và đồng hành trên con đường đi tới tương lai? Thiếu sót này không những làm cho các nỗ lực chung của chúng ta khó hoàn thành hơn, mà còn có nguy cơ làm thay đổi bản chất của lý tưởng mà chúng ta ôm ấp.
Con số nhiều triệu người không quyết định được một cộng đồng có phải là một dân tộc hay không. Một cộng đồng chỉ được xem là một dân tộc thực sự nếu họ đủ đồng thuận để sống chung, có những quyền lợi chung và có những đề án chung đi tới tương lai. Nếu không có những biểu hiện này, hơn 90 triệu người trên đất nước hình chữ S không phải là một cộng đồng dân tộc đúng nghĩa, và nhiều khả năng sẽ thất bại với các kế hoạch chỉ dành cho một dân tộc thực sự.
Cuộc đấu tranh này là để thay đổi tiền đồ của hơn 90 triệu người dân Việt Nam, trong đó có hơn 10 triệu người sắc tộc. 10 triệu người đó đứng ở đâu trong lý tưởng đấu tranh và trong các đề án dân chủ hóa của chúng ta? Chính quyền cộng sản trù dập người sắc tộc, nhưng ít nhất họ có cô hoa hậu H'Hen để mua chuộc lòng người, để tạo ảo tưởng về bình đẳng sắc tộc. Những người đấu tranh cho tự do dân chủ người Kinh đã làm gì để giúp anh chị em người Thượng cảm thấy mình được dự phần vào các dự án tương lai của "dân tộc" này? Rất nhiều câu hỏi như thế buộc chúng ta phải trả lời nghiêm túc và thực lòng.
Huỳnh Thục Vy
Buôn Hô 3/7/2018